Cơm Tàu thì tôi ăn nhiều, nhà Pháp, nhà Mỹ tôi cũng từng ở, còn vợ Nhật? Chà! Ế vợ gần bốn mươi năm nay, tìm một cô vợ Việt còn bị chê, đào đâu ra vợ Nhật?
Nghe ông bà kể lấy vợ Nhật sướng lắm. Mình đi làm về, ngồi phè cho nó cởi giày, xong nó đi pha nước cho mình tắm. Mình ăn cơm nó quỳ một bên nó hầu, có miếng ngon vật lạ nó gắp bỏ vô chén, mình uống trà, nó dâng cả hai tay mời.
Cứ cho những lời đồn đại này là có thực đi, thì lấy một cô vợ như thế đã sướng chưa?
Đi ăn cỗ tôi rất sợ phải gắp thức ăn bỏ vô chén người khác, nhưng bị người ta gắp thức ăn bỏ vô chén mình còn đáng sợ hơn. Heo quay chẳng hạn, tôi rất ớn, nhưng vị phu nhân kia lại vừa gắp một miếng to tổ bố đặt vào chén của tôi. Ăn thì không nổi, mà bỏ đi thì mất lịch sự. Nếu cô vợ người Nhật mà thường xuyên làm như thế thì có gì là hay? Còn chuyện vợ quỳ trước mặt dâng trà cho chồng nghe cũng lạ, nhưng – nếu có vợ - tôi lại thích làm ngược lại. Trên đời này không có gì thú vị bằng quỳ lạy một mỹ nhân, lúc ấy lòng ta bồi hồi xúc động, nước mắt ta trào ra như suối, toàn thân ta tỏa hào quang như được “Phật độ”. Như vậy xem ra tôi không thích lấy vợ Nhật rồi.
*
Còn chuyện ăn cơm Tàu? Chắc các bạn còn nhớ Từ Hi Thái Hậu đã tổ chức một bữa tiệc có một không hai trên thế giới để thết đãi Sứ thần 8 nước: Nga, Pháp, Mỹ, Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Ý, Đức tại Bắc Kinh. Bữa tiệc kéo dài 7 ngày đêm. Từ đêm 30 tháng chạp năm Nhâm Thân (1873) đến nửa đêm mồng 7 Tết Quý Dậu. Bữa tiệc ấy quy tụ mọi tinh hoa của nghệ thuật ẩm thực Trung Quốc.
Tháng 2 năm 1972, khi tổng thống Nixon sang thăm Trung Quốc, ông cũng được thủ tướng Chu Ân Lai đãi món thịt bò xào lá trà độc đáo. Đó là trà Long Tĩnh ở Hàng Châu. Tôi có đến thăm các đồi trà ở đó và cũng được dịp nhấm thử một tách trà thượng hạng của làng Long Tĩnh huyền thoại này, ăn thử mấy cái lá trà tươi – thứ được dùng để xào với thịt bò đãi tổng thống Nixon – thấy quả thật là có hương vị độc đáo.
Những quan chức của làng trà Long Tĩnh bảo rằng trà ở đây chỉ được hái vào khoảng từ năm giờ sáng đến bảy giờ sáng vì đó là lúc cây trà vừa thức dậy, trên những lá trà còn đọng những giọt sương. Lá trà là dương, giọt sương là âm. Trên một lá trà phải có hai yếu tố âm dương hòa hợp như thế mới được phép hái.
Nhưng không phải ai cũng hái được. Trà ở làng Long Tĩnh phải do những thiếu nữ đồng trinh hái thì mới giữ được cái hương vị cao quý, tinh khiết của nó. âi, đó là chuyện vẽ vời của người Tàu. Hồi xưa má tôi thường nói: Người Hàn Quốc thích tạo ra bi kịch, còn người Trung Quốc thì thích tạo ra huyền thoại. Quả không sai. Nhưng dù có huyền thoại hay không thì Trà Long Tĩnh cũng là thứ rất độc đáo.
Trở lại với cơm Tàu mà tôi đã “ăn” ở sáu thành phố bên Trung Quốc. Thực ra tôi có “ăn” đâu. Tôi chỉ “nếm thử”. Tại sao những món ăn made in China thứ thiệt tại những khách sạn sang trọng này lại hoàn toàn khác xa với những món ăn Tàu ở Chợ Lớn hay ở China Town tại New York, tại San Francisco?
Mười lăm ngày, bốn mươi lăm bữa ăn là bốn mươi lăm nỗi kinh hoàng của đời tôi. Bởi vì nó toàn mỡ. Rau luộc mà cũng xối mỡ thì có gì mà họ tha! Cá cũng mỡ, gà cũng mỡ, thịt cũng mỡ, tôm cua cũng mỡ… chỉ có độc một món không mỡ là C� M. Và tôi đã ăn cơm với muối tiêu suốt mười lăm ngày. Một cô bạn nảy ra sáng kiến. Cô rót cho tôi một tô nước trà. Thay canh sao? Không phải. Để nhúng thức ăn vô rửa mỡ trước khi ăn. Good Idea! Quả nhiên đó là ý hay. Nhưng ăn chung mà làm cái trò đó hơi bất lịch sự. Tôi đi siêu thị mua một ký táo. Bữa trưa tôi ăn cơm với muối tiêu và táo. Nhưng lòng tôi không thể nguôi được nỗi ấm ức. Những món mà người Tàu ở Chợ Lớn đã cho tôi ăn đâu rồi? Những dĩa cơm chiên hải sản tuyệt vời mà người Tàu ở San Francisco đãi tôi đâu rồi? Những món Điểm Sấm độc đáo mà tôi từng được thưởng thức ở New York sao tại chính quê hương của bà Từ Hy lại không có?
*
Nhà Tây thì sao? Theo cách hiểu thông thường thì đó là những ngôi biệt thự của Pháp, có nhiều mái, nhiều ngóc ngách, có sân vườn. Ở dưới Rez-de-chaussée có hầm rượu, phía trên cùng, sát mái nhà, có Grenier. Tường dày bốn năm tấc xây bằng gạch thẻ đặc ruột và vôi, phòng cao bốn thước rưỡi, cửa lớn cao ba thước, cửa sổ cao hơn hai thước.
Còn theo cách hiểu bây giờ thì “nhà Tây” bao gồm cả nhà Mỹ, mặc dù nhà Mỹ và nhà Tây khác nhau rất xa.
Ở Mỹ - trừ những trung tâm thương mại lớn toàn là cao ốc năm bảy chục tầng - những khu dân cư đều là biệt thự. Người Mỹ thích thay đổi nhà như người ta thay đổi xe vì thế họ không xây nhà kiên cố như dân châu Âu. Nhà Mỹ xây bằng gỗ, kể cả những nhà giá một triệu đô la cũng xây bằng gỗ nhưng rất chắc chắn, đầy đủ tiện nghi và sang trọng. Nhìn từ bên trong không ai biết đó là nhà gỗ. Sàn nhà trải thảm, tầng hầm (basement) cũng trải thảm. Tường và trần nhà sơn nước phẳng lì như kiếng, tất cả các cửa đều làm bằng nhôm hoặc gỗ quý. Bên ngoài nhà là sân cỏ xanh và landscape trồng hoa kiểng.
Nhà của Tây là những mái ấm thần tiên. Họ ở trong rừng, dưới thung lũng xanh đầy bóng mát và tiếng chim. Có lần tôi đi dạo trong một khu dân cư ngoại ô thành phố New York. Đó không phải là cõi trần gian nữa, mà là thiên đường, với rừng cây, đồi cỏ, thảm hoa, mọc quanh những biệt thự xinh xắn như trong truyện thần tiên, mới giật mình thấy sao mà khoảng cách giữa dân của họ và dân của mình xa vời đến thế!
*
Ở Việt Nam, tại các thành phố lớn cũng có người ở nhà Tây, nhưng đại đa số nhân dân nhà cửa xuềnh xoàng, thiếu thốn, cho nên ở nhà Tây đối với dân mình là một mơ ước xa vời. Nhưng còn cái ăn thì chưa chắc ai đã hơn ai. Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới nhưng không thấy đâu có món ăn tươi tốt, phong phú và ngon lành như ở Việt Nam. Còn chuyện lấy vợ thì hạnh phúc hay không phụ thuộc vào tình yêu chứ không cứ gì phải nài cho được một cô vợ Nhật.
ĐÀO HIẾU (Lề Bên Trái)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tuyên Bố : Nếu bạn Coment với những cụm từ tục tĩu , lăng mạ hay sỉ nhục , hoặc những cụm từ có liên quan đến phân biệt chủng tộc, tôn giáo , chính trị ! Thì sẽ không được phép duyệt lên! Vì vậy mong bạn ở chữ Nghiêm Túc và thật sự là người có "Cốt cách Phong Lưu" ! Xin chân thành cám ơn!